[b]Ván 6: TAM GIÁC TRẬN[/b]
Trắng đi trước thắng.
[game solutionday=7]
FORMAT WXF
GAME TAM GIÁC TRẬN
RED Trắng
BLACK Đen
FEN 4P4/9/3k1H3/9/2e3p2/9/1r5C1/9/r1p1K1h1C/9 w – – – 1
START{
DIAG{ #1 RED }
1. P2.4 T3/5 2. M4.2 T5/7
3. P1.6 Tg4/1 4. P1.1 Tg4.1
5. M2/4 T7.5 6. M4/5 Tg4/1
7. P2.1 }END[/game]
Tháng: Tháng 2 2006
Cờ bỏi đầu xuân
Hội làng có bỏi đón mừng Xuân
Chật ních người xem bốn góc sân
Oai vệ cụ bô ngồi khảo chịch
Dập dồn trống khẩu giục đi quân
Ông già bí nước tai bưng miết
Chàng trẻ hơn Xe mắt sáng dần
Ngoảnh lại ngó tìm cô yếm đỏ
Nụ cười cảm phục giấu trong khăn
Cờ tướng – cuộc cải cách phi thường – dấu ấn nghệ thuật đặc sắc của phương Đông (1)
[i]Nhân dịp năm mới, tác giả nổi tiếng chuyên viết về cờ Tùng Lâm đã gửi tặng độc giả của Bạn Cờ bài viết rất dài và rất lý thú này. Ban biên tập xin cảm ơn tác giả Tùng Lâm và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết này. Chúc tác giả và gia đình một năm mới an khang và thịnh vượng.[/i]
Trong nhiều thế kỷ nối tiếp nhau, người Á Đông cứ việc chơi cờ mà hoàn toàn không để ý cờ Tướng có từ lúc nào. Đến một lúc, trình độ văn minh đã cao, câu hỏi đó bật ra, thì người ta mới chợt giật mình vì sự “đãng trí” của mình và thế là nảy sinh không biết bao cuộc tranh cãi. Không chỉ cãi vã mà còn tranh giành “quyền tác giả” của mỗi loại cờ: “Ai đã phát minh ra cờ Tướng?” Điều đó cũng dễ hiểu, sự tôn vinh rất lớn sẽ thuộc về kẻ khai phá, không chỉ với một cá nhân mà còn đối với cả một dân tộc. Chẳng phải khi người ta viết rằng Colombo là người đầu tiên phát hiện châu Mỹ thì cũng lập tức có ý kiến rằng người Viking ở Bắc Âu làm chuyện đó sớm hơn. Gần đây lại có giả thiết rằng người Trung Hoa đã tới bờ phía Tây châu Mỹ sớm nhất.
Vấn đề tìm ra nguồn gốc cờ Tướng ở châu Á và cờ Vua ở châu Âu cũng đã phải trải qua một quá trình hết sức công phu và gian khổ, vì sự thật thì chỉ có một mà giả thiết thì rất nhiều.
Nhiều nhà khoa học châu Âu đã kết hợp công việc khảo cổ và lịch sử của mình để tìm hiểu nguồn gốc của cờ Vua như Thomas Gaida, Willam John, Ducan Forbs… Nhưng trong đó nổi bật một người Đức có tên là Van de Linde (1833 – 1897). Ngay từ nhỏ ông đã yêu thích cờ và cũng ngay từ thuở thiếu niên đã có ý nghĩ cống hiến cuộc đời mình cho việc nghiên cứu lịch sử của cờ.
[img]xq361-0.jpg;center;Thủy tổ của cờ Tướng, cờ Vua…[/img]
Năm 1874 hai quyển sách có tên “Lịch sử và văn hóa cờ Vua” và “Cờ Vua thế kỷ 16” của ông được xuất bản. Chúng như hai cột mốc lớn về lịch sử trò chơi đặc sắc này. Sau đó 7 năm (1881) những quyển sách khác của ông được tiếp tục xuất bản “Những đoản khúc về nguồn gốc lịch sử sơ khai của cờ Vua” và “Thiên niên kỷ đầu tiên của văn hóa cờ Vua (850 – 1880)”.
Sau khi đọc, nghiên cứu một số tài liệu rời rạc trước đó và tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc của môn cờ, Van de Linde viết: “Ở những tài liệu đó, kiến thức thiếu thốn rất nhiều, phần lớn là những câu chuyện tưởng tượng. Lịch sử lâu đời của cờ Vua phần nhiều dựa vào chuyện thần thoại, huyền thoại, rất xa vời với thực tế về sự ra đời của trò chơi này, về con đường dẫn cờ vua đến với các dân tộc phương Đông và phương Tây, về những giai đoạn phát triển đầu tiên”.
Con đường đầy rẫy gian nan nhưng ông tự đặt ra nhiệm vụ cho mình là tìm tòi và phát hiện chính xác nguồn gốc đầu tiên của cờ Vua cổ Ấn Độ, Ba Tư và Ả Rập. Tất cả đều phải mò mẫm từng bước trong khoảng thời gian dài đã lùi vào dĩ vãng, chen lẫn biết bao sự kiện lịch sử phức tạp. Không gian quá rộng và ngôn ngữ các dân tộc quá khác biệt nhau, thậm chí ngôn ngữ của một dân tộc từ những văn bản viết trên đá đầu tiên đến văn bản hiện đại của họ cũng đã thay đổi nhiều.
Nhờ nhiệt tình cháy bỏng ông đã lôi kéo được sự tham gia của những những nhà chuyên sưu tầm văn hóa cố, các chuyên gia triết học phương Đông mà trong số họ phải kể tới nhà học giả chuyên về chữ Phạn Anbrexter, học giả tiếng Ả Rập Io khan Hindermeister. ông vào được các thư viện xem các bản gốc lớn nhất ở các nhà thờ đạo Hồi, những bản thảo viết tay cực kỳ quý giá cùng những đoạn trích các quy tắc chơi cờ của Al Atli, At Xuly, Al Khakima.
Trước những sự kiện và tài liệu cực kỳ phong phú sưu tầm được, như một nhà bác học, ông bắt đầu nghiên cứu và đưa ra quan điểm của mình về một loạt vấn đề của lịch sử cờ Vua qua nhiều thế kỷ. Trước hết ông cố gắng tìm hiểu bí mật của sự xuất hiện cờ Vua. ông chỉ ra tính phi thực tế và hoang đường trong ý kiến của Dun can Forbs cho rằng cờ Vua được sáng tạo từ mấy nghìn năm trước công nguyên. ông đã tìm ra từ khi nào xuất hiện Chaturanga và từ đó đi đến kết luận rằng trò chơi này chỉ xuất hiện tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 sau công nguyên.
[img]xq361-1.jpg;center;Trung Á là cái nôi của cờ[/img]
Rốt cuộc thì nhờ những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, người châu Âu đã nhất trí công nhận với nhau những điểm căn bản nhất về cờ Vua:
*Cờ Vua không phải do người châu Âu phát minh ra mà là do nơi khác phát minh và được du nhập vào châu Âu sớm nhất là vào thế kỷ thứ 10 sau công nguyên.
*Cờ Vua bắt nguồn từ loại cờ cổ có tên là Chaturanga, được phát minh vào thế kỷ thứ 5 hay thứ 6 sau công nguyên tại Ấn Độ, trên bàn cờ có Vua, các cố vấn và 4 loại binh chủng trong quân đội là kỵ binh, tượng binh, bộ binh và chiến xa.
*Sang châu Âu, Chaturanga được hoàn chỉnh và cải tiến thành cờ Vua ngày nay.
Những kết luận rõ ràng, sáng sủa, có nền tảng khoa họ vững chắc này đã đặt dấu chấm hết cho những cuộc tranh luận vô bổ. Tất cả các quyển từ điển về cờ của châu Âu, châu Mỹ cũng đều có cùng quan điểm này. Còn việc cải tiến Chaturanga như thế nào để trở thành cờ Vua như ngày nay cùng những thành công và kiếm khuyết của nó, chúng ta sẽ nói tới trong một bài khác.
[i]Tương truyền rằng một nhà thông thái Ấn Độ phát hành ra trò chơi Chaturanga (là tiền thân của cờ Vua và cờ Tướng ngày nay). Nhà Vua biết được rất khen ngợi và có ý muốn ban thưởng cho con người thông minh tài giỏi kia, bèn cho mà thông thái tự chọn cho mình phần thưởng.
Nhà thông thái bèn tâu vua thưởng cho mình một số thóc được tính như sau: Trên 64 ô cờ thì ô thứ nhất sẽ đặt 1 hạt thóc, ô thứ 2 sẽ đặt số thóc gấp đôi ô thứ nhất tức là 2 hạt, ở ô thứ 3 sẽ đặt gấp đôi ô thứ 2 tức 4 hạt và cứ ô sau đặt gấp đôi ô trước cho tới khi đủ 64 ô. – Khanh chỉ cần có thế thôi ư! Nhà vua bèn vui vẻ chuẩn y thưởng ngay theo ý nguyện của nhà thông thái. Vị quan phụ trách kho tàng sau khi tính toán, bèn trình lên nhà vua tổng số hạt thóc thưởng ở cả 64 ô là: 1 8.446.744.073.709.551.615 hạt Số thóc này lớn gấp hàng vạn lần toàn bộ số thóc hiện có trong kho của nhà vua.[/i] |
Nguyên tắc chiến lược phải nhất quán
Trong một ván cờ mỗi kỳ thủ đều phải dùng nhiều đòn chiến thuật khác nhau, song chiến lược thì cần phải giữ nhất quán. Không nên tuỳ tiện thay đổi các quyết định chiến lược. Sự tuỳ tiện về mặt chiến lược dễ dẫn đến đấu pháp rối loạn và sẽ bị đối phương khai thác. Các giải đấu cho ta nhiều ví dụ để rút kinh nghiệm.
Dưới đây là ván cờ của Trương Á Minh đi trước thắng Bùi Dương Trân trong giải hạng nhất toàn quốc năm 2000.
[game]
FORMAT WXF
GAME Trương Á Minh thắng Bùi Dương Trân
RED Trương Á Minh
BLACK Bùi Dương Trân
RESULT 1-0
START{
1. T3.5 P8-4 2. M2.3 M8.7
3. X1-2 B3.1
DIAG{ #4 RED }
/*Cách đi thông thường là B7.1 nhằm khống chế Mã cánh phải của bên Trắng. Ở đây Bùi Dương Trân chọn nước tiến Tốt 3 có ý khởi động nhanh Mã bên phải để phản công sớm.*/
4. P8-7 M2.3 5. B7.1 M3.4
6. B7.1 M4.6 7. B3.1 M6.4
8. M8.9 P2.5
/*Trương Á Minh dùng đòn P8-7 trong cuộc “Thiên Mã hành không” chống nước lên Mã. Cả hai bên đi những nước thông thường trong biến này. Nhưng nước P2-5 của Trân là một nước mới, một lần nữa thể hiện ý đồ đánh nhanh. Nước đi bình thường M4/3.*/
9. X9.1 M4/3 10. M3.2 T3.5
11. X9-6 S4.5
/*Chúng ta xem lại mấy nước này. Trân không ăn Mã về Tốt mà tiến Pháo, buộc Minh phải lên Xe ngăn cản nước chiếu của Mã. Đến lúc đó, Trân thấy không đánh gấp được nên thoái Mã bắt Tốt và Minh lên Mã hà cấm Xe đối phương. Nhưng nước bình Xe lộ 6 cần cân nhắc kỹ hơn, vì tạo ra điểm yếu trong hệ thống phòng thủ. Khi Trương Á Minh bình Xe vào lộ 6, Bùi Dương Trân hoàn toàn có thể P2-5 ăn hơn Tượng, chờ nước sau P5-1 đồi Mã lợi Tượng. Diễn biến có thể là: P2-5, M9.7, P5-6, đe doạ thoái 2 bắt Mã, lại tiến 1, bình 7. Nhưng thực đấu Trân lên Sĩ, chậm ra quân nên bị kém thế!*/
12. X6.5 X1-2 13. S4.5 X2.6
14. M2.3 X2-5 15. P2.5 X9.1
16. P7.2 }END[/game]
Đến đây Trân hoàn toàn kém phân. Có điều đó trước hết là do anh bị rối về chiến lược. Nếu đã định công nhanh thì nên phá vỡ Tượng. Ở nước 14 vẫn còn cơ ăn Tượng rồi tiến Xe bắt lại Mã. Hoặc nên ra Xe góc chiếm lộ.
Trước khi tấn công hay phòng thủ bạn nên xác định lại đường lối chiến lược là gì rồi hãy tính toán các phương án cụ thể.
Nước cờ quyết định
Buổi sáng kinh thành Thăng Long còn chìm trong giấc ngủ. Người lính hầu đánh thức Đại Tư mã Ngô Văn Sở, quan Đại Tư mã ngái ngủ cau mặt gắt nhẹ người lính, nhưng khi nghe tin dữ, hai mươi chín vạn quân Thanh đã tràn qua biên cảnh thì Đại Tư mã tỉnh ngủ hẳn. Ông phất nhẹ tay cho người lính lui ra và vào nhà trong thay quần áo. Chưa đầy một khắc ông đã ra đến thư phòng.
Nhìn thấy quan Đại Tư mã, viên tiều lại khoanh tay cúi đầu chào. Đại Tư mã đến ngay án thư, trên đó có một chồng công văn các nơi gửi về. Ông với tay với chồng công văn có dấu son đỏ chói của võ phòng và lật xem bá cáo.
Khuôn mặt ông căng thẳng, mời tháng mười mà mồ hôi rịn lên trán. Lát sau ông ngẩng lên nói với viên tiểu lại:
– Cho gọi quan Nội hầu, quan Chưởng phủ, quan Hộ bộ thị lang!
– Dạ!
Viên tiểu lại vừa dời gót thì Đại Tư mã nói thêm:
– Cho gọi quan Lại Bộ thị lang!
Viên tiểu lại đi rồi, Đại Tư mã sốt ruột đi đi lại lại trong phòng. Người lính hầu rót một chung trà lớn đặt lên bàn mời Đại quan dùng. Đại Tư mã cứ đi đi lại lại không ngừng. Điều ông lo ngại nhất đã đến và lại đến vào lúc đang bộn bề công việc. Trước lúc trở vào Nam, Bắc Bình Vương đã giao cho ông cai quản mười một trấn trong toàn hạt. Vưong nắm tay ông căn dặn “Tôi tin ở ông, dù sao, muốn ăn Tết thì cũng phải gom đũa lại thành bó”. Ông nhớ kỹ lời dặn ấy. Cũng như Bắc Bình Vương, ông hiểu rõ rằng vua Lê Chiêu Thống sẽ không dễ dàng từ bỏ ngai vàng. Thế nào thì cái đám hỗn quân hỗn quan ấy cũng đến cầu cứu đại quốc phương Bắc. Hàng nghìn năm nay các ông vua phương Bắc luôn đợi dịp sáp nhập nước Nam vào bản đồ đại quốc, đâu có bỏ qua cơ hội này. Chỉ riêng Lưỡng Quảng cũng có thể huy động hai mươi vạn binh trong khi ở Bắc Hà bên ta chỉ có vài vạn, dân tình lại chưa yên. Nhưng là võ tướng theo Bắc Bình Vưong đánh đông dẹp bắc đã nhiều ông tin vào đội quân của mình, tin vào chủ tướng của mình. Đội quân biết đoàn kết một lòng từ tướng soái đến ba quân là đội quân vô địch.
Người lính gác cửa ngoài vào báo có quan Nội hầu và Lại bộ thị lang đến. Ông vội bước ra đóm mời Nội hầu Phan Văn Lâu và Lại bộ thị lang Ngô Thì Nhậm vào dùng trà. Nhìn sắc mặt bối rối của Đại Tư mã, quan Nội hầu hỏi:
– Thưa Đại Tư mã! ông lo lắng việc gì vậy?
Đại Tư mã nói:
– Các ông dùng trà rồi ta bàn việc ấy. Quân Thanh vượt cương giới sang ta từ hai tám vừa rồi, giờ đã đến Tam Tầng.
Nội hầu Phan Văn Lâu “ủa” một tiếng như muốn nói: Sao nhanh quá vậy? Lại bộ thị lang Ngô Thì Nhậm nhún vai cười nhẹ. Đại Tư mã liếc xéo Ngô Thì Nhậm, đoạn cất tiếng hỏi:
– Ông cười gì vậy? Hay ông có sẵn kế sách lui giặc rồỉ đấy?
Ngô thị lang thong thả nói:
– Thưa Đại Tư mã! Tôi chưa có kế hoạch gì để đánh giặc nhưng tôi biết chúng lại chuốc lấy thất bại như mọi lần trước đây thôi.
Đại Tư mã “hứ” trong cổ. Các ông quan văn này chỉ giỏi ngồi nhà khoác lát lúc giặc đến lại co vòi. Thử để lát nữa xem ông ta có mưu kế gì không? Vừa hay Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Hộ bộ thị lang Trần Thuận Ngôn đến. Đại Tư mã cất giọng đều đều:
– Quân Thanh do đô đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã chia làm ba đường xâm phạm nước ta. Tướng Nguyễn Văn Diễm báo chúng có hai mươi chín vạn quân. Vừa rồi tướng Diễm chặn giặc một trận ở Lạng Son rồi rút về kinh Bắc, hợp quân với Lưu thủ Kinh Bắc Nguyễn Văn Hoa chống giữ. Ông Hoa cũng gửi báo cấp về. Quân ta đón đánh giặc trên sông Thường, dùng hỏa pháo bắn chặn làm tướng giặc họ Quách tử trận. Quân Thanh dàn pháo lớn bắn yểm họ, vượt sông đến đóng ở núi Tam Tầng. Tin của tế tác cho biết bọn Vũ Trinh theo lệnh Lê Chiêu Thống đã đến hội với giặc ở Tam Tầng. Chỉ nay mai là chúng kẻo đến đây. Các ông thử nói xem phương lược chống giặc phải như thế nào!
Nội hầu Phan Văn Lâu nắm tay đấm vào không khí:
– Đại Tư mã! Ông cho tôi hai vạn binh đi tắt đường đánh úp phía sau giặc Bắc, cắt đứt đường vận lương của chúng. Chỉ vài ngày là chúng phải tan vỡ.
Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng gật đầu đồng tình:
– Phải đó! Tôi cũng xin hai vạn binh, dùng kỳ binh, đặt phục binh phá mũi tiên phong của giặc. Nếu không thắng, xin chịu quân lệnh.
Các tướng tranh luận với nhau, người nói thế này, người nói thế khác. Chỉ có Ngô Thì Nhậm là đứng chắp tay yên lặng.
Đại Tư mã hỏi.
– Ông Nhậm! Sao ông không nói gì thế?
– Các ông nói đều không phải cả. Dân quân đi chặn đường lưong thì giặc đông ta ít, giả dụ chúng chia binh chặn đường về thì đi đâu? Còn đặt phục binh thì dân Bắc Hà lâu nay mong ngóng nhà Lê sẽ báo cho giặc biết. Vậy là tự đem thân mình mà nộp cho nó, các ông không thấy sao? Chi bằng rút nhanh về Tam Diệp, lập trại cố thủ, cấp báo với Bắc Bình Vương để Ngài đem quân ra dẹp giặc là hơn.
Ngô Văn Sở, Trần Thuận Ngôn cùng cau mày:
– Gặp giặc chưa đánh đã chạy, tôi chém cả ba họ đấy.
Ngô Thì Nhậm vẫn ung dung.
– Việc binh cũng như đánh cờ. Nếu lấy nước sau làm nước trước là thua cờ. Rút bỏ khỏi Thăng Long cũng như cho mượn ngọc bích họ Hòa, sau sẽ lấy lại. Có gì mà phải lo.
Hộ bộ thị lang nghe xong cười lớn.
– Ông Nhậm! Lâu nay nghe nói ông là người rất cao cờ. Phải chăng ông cho rằng chúng tôi không hạ nổi ông. Lính đâu, mang bàn cờ ra đây để ta xem ông Nhậm bàn việc cờ với việc binh ra sao?
Ngô thị lang mỉm cười. Đất Bắc Hà vốn là đất văn hiến. Từ khi đoàn quân của Bắc Bình Vương ra đây, trên vai vô số võ công hiển hách song còn kém về tài năng cầm, kỳ, thi, họa. Các danh tướng luôn ngờ vực sĩ phu Bắc Hà chỉ coi họ là hạng võ biền. Thị lang họ Trần muốn nhân dịp này cho Ngô Thị lang một chút kinh nghiệm xét người.
Mấy người lính mang một bàn cờ khảm trai đặt lên bàn. Họ lấy bộ quân cờ bằng ngọc bích bầy thành trận thế. Đại Tư mã và các tướng thấy không khí có vẻ căng thẳng cũng muốn xem một ván cờ cho thư giãn đầu óc. Họ nghe danh Ngô Thì Nhậm đã lâu, nay cũng muốn thực mục sở thị. Trần thị lang không khách khí, cầm quân đi trước. Người lính thủ kỳ giơ cao kỳ lệnh đọc to nước đi của cả hai bên:
“Pháo hai bình năm – Pháo tám bình năm – Mã hai tấn ba – Mã Tám tấn bảy – Xe một tấn một – Xe chín bình tám – Xe một bình sáu – Xe tám tấn sáu – Xe sáu tấn bảy – Mã hai tấn một …”
Trần thị lang nhìn sang phía Ngô thị lang, ông ta vẫn ung dung, vẻ mặt khoan hòa. Từ đầu đến giờ cả hai đều đi theo Quất trung bí. Trần thị lang nghĩ, nếu tiếp tục đi theo sách, chắc Ngô thị lang sẽ phải chịu kém phân. Cần phải biến trận xem ông ta đối phó thế nào?
“Tốt chín tiến một”.
Các tướng và cả người lính chăm chú vào bàn cờ. Trần thị lang đã đi một biến mới. Theo Quất trung bí, đáng lẽ ông phải đi Xe chín tấn một để ra xe nhanh, tăng cường sức tấn công ở trung lộ. Nhưng ông quyết định đánh chậm, trước mắt hãy chặn đường Mã biên.
“Sĩ sáu tấn năm”.
Một nước phòng thủ, hạn chế tầm hoạt động của xe.
– “Xe sáu bình tám”.
Ý đồ của Trần Thị lang đã rõ. Ông đuổi pháo để khống chế đường tám. Nếu Ngô thị lang bình pháo vào bốn thì toàn bộ cánh phải bị tê liệt. Một quân xe ở đường tám không làm nên chuyện gì. Ngô thị lang trầm ngâm suy nghĩ. Lát sau ông vén tay áo cầm quân xe nhấc lên. Các tướng nhìn theo tay ông kinh ngạc. Không lẽ một danh kỳ nổi tiếng như Ngô thị lang mà không thấy ông sẽ bị mất quân?
“- Xe một bình hai – Xe tám tấn một – Mã một thoái hai – Pháo tám tấn bảy – Xe tám bình bảy – Mã ba thoái một – Pháo năm tấn bốn”.
Các tướng và mấy người lính cùng “ồ” lên một tiếng. Đòn phản kích bất ngờ của Ngô thị lang đã lật ngược tình thế từ thủ sang công.
“Sĩ sáu tấn năm, pháo hai tấn sáu”.
Đòn cơ bản của kỳ thư Quất trung bí. Chỉ có điều sách dạy cho bên đi tiên thì Ngô thị lang lại uyển chuyển vận dụng cho bên đi hậu. Trần thị lang buộc phải trả lại quân mã và bị tấn công dồn dập. Chỉ trong chớp mắt sĩ tượng của ông đã bị vỡ tan hoang. Ông buông cờ khen ngợi.
– Ngô thị lang thật là danh bất hư truyền!
Ngô Thì Nhậm nhún nhường. Ông nói:
– Trần thi lang chơi cao lắm, rất có bài bản. Chỉ có điều ông đem nước trước thành nước sau nên thua cờ. Đáng lẽ phải đi Xe sáu bình tám đuổi pháo, rồi mới đi Tốt chín tấn một khống chế mã và đường tám. Ông đi tốt trước rồi mới bình xe nên bị phản cục.
Đại Tư mã và các tướng cùng cười vang. Mấy người lính không rõ chuyện gì nhưng cũng cười theo. Các tướng cùng nắm chặt tay hướng về phía Đại Tư mã. Ông nói lớn:
– Truyền lệnh!… Chuẩn bị rút quân!
[img]xq376-1.jpg;right;Đấu cờ người trước tượng đài Quang Trung – gò Đống Đa, mừng 217 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa.[/img]
Cờ Tướng Nhập Môn: Chương IV Sự phối hợp tác chiến giữa các quân – Song Binh phối hợp
[b]4. Song Binh phối hợp[/b]
Song Binh phối hợp có thể hoàn thành những nhiệm vụ đơn giản, nhưng chúng hành động chậm chạp. Nếu không có binh chủng nào khác hợp tác thì chúng khó phát huy tác dụng.
Chúng ta xem các thế cờ sau:
[b]Thế 1: Phân Binh hợp vây.[/b]
[game]
FORMAT WXF
GAME Phân Binh hợp vây
RED Trắng
BLACK Đen
FEN 4c4/4k4/9/4PP3/9/9/9/9/4K4/9 w – – – 1
START{
DIAG{ #1 RED }
1. Tg5.1 Tg5-4 2. B5-6 P5-4
3. B6-7 P4-5 4. B4.1 P5.1
5. B7.1 P5/1 6. Tg5-4 P5-9
7. B4-5 P9.1 8. B7-6 Tg4/1
9. B5.1 P9-7 10. Tg4-5 }END[/game]
thắng.
[b]Thế 2: Hợp lực công kiên.[/b]
Thật ra hai Binh không có khả năng phá Sĩ, Tượng toàn để làm thua, nhưng đây là một thế cờ ngoại lệ, Sĩ Tượng Đen đứng tản lạc, hai Binh nhờ có Tướng hỗ trợ đã tấn công giành thắng lợi như sau:
[game]
FORMAT WXF
GAME Hợp lực công kiên
RED Trắng
BLACK Đen
FEN 4k4/9/e2a1a2e/4PP3/9/9/9/9/9/4K4 w – – – 1
START{
DIAG{ #1 RED }
1. B4.1 T1/3 2. B4.1 T9.7
/*Nếu như 2…S4/5 thì 3. B5-6 T3.5 4.B6-7 S5.6 5. Tg-6 hình thành thế “tả Binh hữu Tướng”.*/
3. Tg5-6! T3.1 4. B5-6 S4/5
5. Tg6-5! T7/5 6. B6-7 T1/3
7. B7.1 S5.6 8. Tg5-6 T5.7
9. B7.1 S6/5 10. Tg6-5 T3.5
11. B7-6 S5.4 12. Tg5-4 S4/5
13. B4-5 }END[/game]
Trắng thắng.
Kỳ thủ trẻ Nguyễn Vũ Quân: Trên đường tìm lối đánh trong cờ tướng Việt Nam
Thành công này bắt nguồn từ tinh thần tích cực học tập rèn luyện của anh, nhưng cũng có phần công sức không nhỏ của các tuyển thủ nước ta những năm qua đã tạo ra cái nền vững chãi của một lối chơi Việt Nam giàu chất sáng tạo.
Nguyễn Vũ Quân đến với cờ tướng năm 1997, khi mà đội tuyển TP Hồ Chí Minh vẫn thống lĩnh các giải cờ tướng toàn quốc bằng lối chơi “công chắc, thủ vững” đúng như lý thuyết trong các sách vở Trung Quốc. Vũ Quân gia nhập vào đội ngũ các tuyển thủ trẻ Hà Nội, lúc này đang tìm tòi lối chơi mới, lấy sự sáng tạo làm nền tảng. Năm 1998, tuyển thủ trẻ Nguyễn Thành Bảo bằng cách chơi ngẫu hứng đầy tính biến hóa đã đoạt Cúp vô địch giải trẻ châu Á trên tay Hồng Trí, tuyển thủ Trung Quốc và đã đem lại niềm tin cho các tuyển thủ trẻ nước ta về triển vọng của lối chơi mới. Năm 2001-2002 tại giải vô địch cờ tướng hạng nhất toàn quốc và giải vô địch đồng đội toàn quốc các tuyển thủ trẻ nước ta đã đưa ra rất nhiều nước biến mới lạ, hiệu quả vào thi đấu. Tại những giải này Nguyễn Vũ Quân được rèn luyện kỹ, sức cờ như cánh diều no gió ngày một vươn cao. Năm 2003, cùng với các tuyển thủ trẻ Hà Nội anh đã góp sức làm cuộc “thay bậc đổi ngôi” ngoạn mục: đưa Hà Nội lên vị trí nhất toàn đoàn trong giải cờ tướng toàn quốc và Cúp vô địch cá nhân về với làng cờ Thủ đô. Lối chơi hiện đại, sáng tạo của các tuyển thủ Hà Nội ngày một định hình đã giúp anh đoạt Cúp vô địch trong 2 năm liên tiếp 2004-2005. Tham dự giải vô địch cờ tướng thế giới 2005 anh đã đem đến giải lối chơi đậm chất Việt Nam, làm các cao thủ quốc tế hết sức bất ngờ. Những đòn thế mới được tích lũy trong giải cờ tướng toàn quốc 2001-2003 được anh vận dụng nhuần nhuyễn, giành thắng lợi trước các danh thủ đến từ Đài Loan, Ma Cao đem về cho Việt Nam huy chương đồng thế giới.
22 tuổi đời, 8 năm tuổi cờ, 2 lần vô địch toàn quốc, kiện tướng quốc gia, được phong Đặc cấp quốc tế đại sư, sức trẻ còn giúp anh tiếp tục vươn xa.
Giai thoại làng cờ: Nghĩ ra nhiều nước
Ở Hà Nội có những kỳ thủ rất giỏi chơi cờ tàn, như ông Nguyễn Tấn Thọ là một ví dụ. Có một hôm ông Thọ cho đăng báo một thế cờ tàn. Do lỗi ấn loát, phần bài giải bị đăng nhầm một nước nên thế cờ thành ra chưa có lời giải. Anh em bạn cờ hỏi ông. Ông chưa kịp nói thì có người đề nghị chưa giải vội, cứ để nghĩ xem sao. Mấy tháng trời vẫn không có ai nghĩ ra. Người nọ truyền người kia đến tai Bùi Khắc Hưởng. Vốn là người chơi thạo cờ tàn nên hôm sau anh đến nói đã giải xong. Anh bầy bàn cờ định giải thì lại có người bảo: cứ để đấy đã. Đằng đẵng hàng tháng trời thế cờ đó vẫn là câu đố bí hiểm.
Chuyện đến Phạm Quốc Hương. Anh là kiện tướng trẻ hàng đầu Hà Nội. Anh nói: chỉ cần giải trong 15 phút!
Bùi Khắc Hưởng nói: cho cậu một tháng, nếu giải được thì có thưởng. Quả vậy, Hương về nhà vò đầu nghĩ không ra. Bốn lần Hương cho là đã giải xong đến gặp Hưởng đều bị Hưởng đỡ hòa (thế cờ tàn bên đi trước phải thắng). Rất nhiều bạn cờ cứ tưởng mình giải được đến gặp Hưởng lại ỉu xìu vì giải sai.
Trong hội quán cờ Tướng có một tay cờ trẻ, vóc dáng thư sinh được anh em gọi là Hồng vệ binh. Cậu ta vẫn bị Bùi Khắc Hưởng chấp 3 nước. Nghe nói có thế cờ tàn khó, Hồng vệ binh tuyên bố chỉ một đêm là giải xong. Bùi Khắc Hưởng nghe xong thách: cứ cho thời hạn hai năm đi! Hồng vệ binh “cáu sườn” về nghĩ hai đêm. Cậu ta ra giải và anh em hết sức bất ngờ: lời giải tuy dài nhưng cuối cùng… giải được! Cờ Tướng đôi khi vẫn có những chuyện ly kỳ như thế. Cao thủ hàng đầu Hà Nội nghĩ cả tháng không ra trong khi tay cờ trẻ, ít kinh nghiệm lại tìm ra lời giải. Chuyện đó chứa đựng một nguyên lý đơn giản: tập trung cao độ đột phá tư duy thì nghĩ nhiều ra nước. Ai quên điều đó thì chưa thể chạm tay vào huy chương giải cờ toàn quốc.
Rồng bay trước tượng Quang Trung
Ngay từ sáng sớm, người dân các phường Quang Trung, Trung Liệt, Kim Liên…đã tổ chức lễ rước kiệu rồng đến trước tượng đài vị anh hùng Nguyễn Huệ và thực hiện lễ dâng hương thành kính. Sau phần lễ dâng hương là các trò chơi dân gian thể hiện tài điều binh khiển tướng, tinh thần thượng võ tộc việt gắn với cuộc hành binh thần tốc từ Phú Xuân ra thành Thăng Long đại phá 29 vạn quân thanh của tướng sĩ Quang Trung năm Kỷ Dậu (1789) như: chọi gà, cờ tướng, múa rồng, sênh tiền vv… Ngoài các đoàn vùng phụ cận Đống Đa như Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Phòng vv….còn có cả đoàn TP.HCM cùng tham dự.
[img]xq376-0.jpg;center;Múa rồng trước tượng đài Quang Trung[/img]
[img]xq376-1.jpg;center;Đấu cờ người
[/img]
[img]xq376-2.jpg;center;[/img]
Đầu xuân giải bài toán “Mã đi tuần”
[img]xq372-2.jpg;center;[/img]
Bài toán mã đi tuần như sau: [i]cho một bàn cờ kích thước n x m và một quân Mã, hãy tìm một đường đi (hành trình) của Mã xuất phát từ ô x, y và đi qua (“tuần”) tất cả các ô còn lại của bàn cờ, mỗi ô đi đúng một lần.[/i]
Phương pháp giải của bài này khá đơn giản: viết một chương trình máy tính đệ qui theo kiểu thử sai, vét cạn mọi khả năng để tìm lời giải. Nếu khéo viết chương trình khéo sẽ giải được bài toán này khá nhanh với những bàn cờ có kích thước nhỏ (dưới 8×8), giải nhanh đối với bàn cờ Vua và đương nhiên sẽ chậm hơn đối với các bàn cờ có kích thước lớn hơn.
Đối với cờ Tướng, bàn cờ có kích thước (9×10) lớn hơn đáng kể so với cờ Vua (90 ô so với 64 ô) và hình lại không phải hình vuông nên không thể suy diễn kết quả từ bàn cờ Vua. Chúng tôi cũng thử tìm kiếm trên Internet nhưng chưa thấy ai công bố kết quả đối với bàn cờ này. Do đó, một số câu hỏi thú vị vẫn còn nguyên đối với bài toán này:
1) [i]Có lời giải không:[/i] liệu có một vị trí mà từ đó Mã có thể đi “tuần” hết các ô không?
2) [i]Nếu có lời giải:[/i]
*Có giải nổi không: nói cách khác, chương trình chạy trên một máy vi tính bình thường có thể đưa ra lời giải trong thời gian chấp nhận không? Thời gian chấp nhận đối với riêng chúng tôi có thể là dăm bẩy ngày của những ngày Tết. Nhưng có lẽ chúng tôi sẽ không đủ kiên nhẫn chờ máy giải bài này đến vài tháng.
*Mọi vị trí của Mã có lời giải không: nói cách khác, liệu có vị trí xuất phát nào đó trên bàn cờ Tướng làm Mã không thể đi “tuần” hết cả bàn cờ không?
Chỗ khó của bài toán là số khả năng thử rất nhiều nên máy phải chạy rất lâu. Về mặt lý thuyết thì số khả năng phải thử là rất lớn, lớn đến mức không thể giải được. Quá trình tìm kiếm vét cạn là tìm kiếm trên cây tìm kiếm. Nếu ta giả sử tại mỗi vị trí con Mã có thể có 7 nước đi khác nhau (bình thường là 8, nhưng ta trừ đi vị trí mà Mã từ đó đi đến vị trí đang xét). Như vậy mỗi nút của cây có thể có tới 7 nhánh. Cây này cao đến 89 tầng (bàn cờ tướng có 90 giao điểm, trừ một giao điểm đầu tiên mà Mã xuất phát). Vậy tổng số nút của cây là 789 > 1074. Đây là con số vũ trụ. Để tính được con số này cần phải số lượng máy tính nhiều khủng khiếp và thời gian nhiều tỷ năm (xin thêm bài [topic id=142]Số thế cờ như số vì sao trên trời[/topic]).
Điều rất may mắn là trong thực tế số khả năng đi của Mã không nhiều đến vậy. Mã chỉ có thể có đến 7 nước lựa chọn nếu nó đang ở xa đường biên (vùng giữa bàn cờ) và các nước đó nó chưa từng đi. Chỉ cần đi Mã vài nước ta sẽ thấy số nước đi trung bình sẽ giảm xuống đáng kể do Mã thường xuyên đi ra gần góc, biên (vốn có số nước đi ít hơn 8) và nhiều vị trí do con Mã đã đi qua rồi nên không phải xét nữa. Thậm chí nhiều lúc Mã còn đi vào vùng bị tắc và không có nước nào để đi.
Số khả năng đi trung bình của Mã có thể tìm ra dễ dàng qua thực hành. Thay cho con số 7 thì chúng tôi tìm được con số trung bình chỉ trong khoảng 1.5 đến 1.7 (tức là Mã cứ đi 2 nước thì có trung bình hơn 3 lựa chọn). Nếu tính cả nước đi bị tắc (những vị trí mà Mã không có nước nào để đi) thì con số còn giảm nữa, xuống xấp xỉ 1. Ngoài ra trong quá trình đi thử Mã thường không đi nổi đến 89 nước mà bị tắc từ rất sớm. Có nghĩa rất nhiều nhánh cây tìm kiếm có độ sâu chỉ đạt vài tầng. Do vậy bài toán này trở nên giải được trong thời gian thực.
Đối với bài toán này thường nếu đã có lời giải (có đường đi qua tất cả các ô) thì số lời giải lại rất nhiều. Trong trường hợp nếu ta không quan tâm đến mọi lời giải mà chỉ cần một lời giải thì có thể cài đặt thêm một số tri thức bổ xung (heuristics) để giúp chương trình tìm ra lời giải đầu tiên nhanh hơn. Tri thức bổ xung đơn giản và tương đối hiệu quả là trong các nước đi có khả năng, ta cho con Mã chọn đi trước những nước mà từ đó có ít nước đi nhất. Nói cách khác ta sẽ cho con Mã đi những nước “tối” nhất. Đó là những nước gần góc và biên nhất (ý đồ của tri thức này là thử nước khó, “gai góc” trước, dễ sau, nhằm đẩy nhanh phát hiện và loại bỏ các hướng đi không có tiềm năng). Với tri thức bổ xung này chương trình sẽ thường tìm được lời giải đầu tiên khá nhanh. Tuy nhiên, điều lo lắng là nếu không có lời giải thì thuật toán vẫn phải vét cạn như thường và thời gian chờ sẽ trở nên rất lâu.
Sau khi viết và chạy chương trình chúng tôi đưa được [b]kết luận[/b] như sau:
*Bài toán Mã đi tuần có lời giải đối với bàn cờ Tướng (kích thước 9×10)
*Có lời giải đối với mọi vị trí. Tức là Mã xuất phát từ bất cứ điểm nào trên bàn cờ Tướng cũng đều có đường đi “tuần” cả bàn cờ.
Chương trình chỉ cần duyệt khoảng vài triệu đến nửa tỷ nút, tốn từ một vài phần nghìn của giây cho đến nhiều nhất là 2 phút (chạy trên máy tính AMD Athlon 3.0+Ghz) cho một lời giải.
Mời các bạn thưởng thức hai lời giải dưới đây:
Trong ví dụ đầu Mã xuất phát tại giao điểm đầu tiên (góc trên cùng bên trái) của bàn cờ. Các nước đi “tuần” của Mã được đánh số lần lượt từ 1 cho đến 90.
[img]xq372-0.x-png;center;[/img]
Ở ví dụ thứ hai Mã xuất phát tại cột 2 dòng đầu tiên. Thay cho đánh số chúng tôi dùng các mũi tên để bạn lần theo đường đi “tuần” của Mã. Điểm bắt đầu được đánh dấu bằng khoanh tròn mầu xanh. Nhờ các mũi tên bạn có thể thấy rõ tác dụng của tri thức bổ xung với ưu tiên góc và biên trước: con Mã sẽ có xu hướng “phi nước đại” lòng vòng theo đường biên rồi sau đó mới đi vào vùng trung tâm.
[img]xq372-1.x-png;center;[/img]