[img]xq20-0.jpg;right;[/img]Chiến thắng trước một đối thủ có số điểm cao hơn, bạn sẽ được cộng nhiều điểm hơn khi chiến thắng đối thủ ít điểm hơn bạn. Điều ngược lại sẽ xảy ra nếu bạn thua. Bạn sẽ có 3 phòng để lựa chọn, mỗi phòng có 4 loại bàn với các trình độ khác nhau, từ thấp đến cao. Đặc biệt, để tham gia vào các bàn General (kiện tướng) hay Master (đại kiện tướng), bạn phải có trên 1700 điểm. Nếu không đủ điều kiện tham gia thi đấu, bạn có thể trở thành khán giả của các trận đấu đỉnh cao này bằng cách click chuột vào tên bàn, chọn Join. Khi muốn thách đấu, bạn tìm kiếm một bàn trống, sau đó, lựa chọn các options cho bàn thi đấu như thời gian của một ván, thời gian suy nghĩ trong một nước cờ, thời gian cộng thêm,… Sau đó, chọn Invite và lựa chọn tên các users đang có mặt. Một điều thú vị hơn là trong khi đấu trí, bạn có thể chat trực tiếp với đối thủ của mình. Điều này làm cho bạn cảm thấy ván cờ thêm sinh động, thực tế và thú vị hơn nhiều so với khi bạn chơi với máy. Trang web còn chứa một số lượng lớn dữ liệu về các thành viên. Đối với bạn, tất cả các ván đấu đều được thống kê lại một cách đầy đủ. Với tiện ích đó, bạn có thể xem lại những ván đấu mà mình đã tham dự để rút kinh nghiệm. Trang web còn cung cấp một số lượng lớn các truyện cười, thơ, kinh nghiệm,… và một số trò chơi hấp dẫn khác.
Related Posts
Một giải cờ thành công trên nhiều phương diện
- Bình Minh
- 05/06/2006
- 0
Giải đã chứng minh được kết quả của sự xã hội hóa đối với thể thao là hoàn toàn có cơ sở và đúng đắn.
Thật vậy, trong nhiều năm nay, trừ giải vô địch quốc gia, các giải cờ tướng khác đều mang tính nhỏ lẻ, phong trào.
Thứ nhất, do tính phong trào nên số kỳ thủ tới thi đấu thường có trình độ rất chênh lệch nhau, có những giải nhìn vào bảng xếp hạng người ta ngạc nhiêu thấy sau 11 ván đấu có kỳ thủ đoạt 9, 10 điểm, nhưng cũng có kỳ thủ chỉ đoạt 1 điểm, thậm chí 0 điểm. Hiện tượng này dẫn tới chất lượng các ván đấu không cao. Mà đây chính là điều phiền lòng đối với khán giả cũng như người hâm mộ.
Cho nên lần này tuy chỉ là một cúp cờ nhưng đã quy tụ được những danh thủ có đẳng cấp cao nhất, có thành tích thi đấu tốt nhất, được đích thân ban tổ chức và các nhà tài trợ chọn lọc không chỉ ở địa phương mà là khắp toàn quốc nên chất lượng của giải cao hơn hẳn. Nhiều ván đấu cực kỳ quyết liệt và căng thẳng, thậm chí phải dùng tới cờ chớp để phân định thắng thua đủ nói lên điều đó (trong giải này đến phút chót có 2 kỳ thủ không thể tới được là Đào Cao Khoa bận việc gia đình và Nguyễn Hoàng Lâm do đang bận học thi, 2 kỳ thủ được thay thế là Lại Lý Huynh và Nguyễn Hoàng Lâm B).
Thứ hai là do sự hảo tâm, hào phóng và nhiệt tình của các nhà tài trợ mà giải lần này đã có được nguồn kinh phí dồi dào, vượt xa tất cả các giải trước đây. Là nguồn tài chính quan trọng để thực hiện việc tài trợ tiền tàu xe cũng như hỗ trợ thêm cho các kỳ thủ ở các tỉnh khác về tham dự giải. Xưa nay, đây là bài toán “hóc hiểm” nhất, bởi ở các giải quốc gia thì phải xin kinh phí của ngành còn ở các giải khác thì kỳ thủ phải hoàn toàn tự túc, trong lúc giá tàu xe không ngừng tăng, muốn đi cũng phải tiền triệu chứ không phải tiền trăm. Lần này các kỳ thủ Hà Nội được cấp đủ tiền khứ hồi bằng tàu hỏa, còn các kỳ thủ Đà Nẵng được cấp vé máy bay. Quả là lịch sử xưa nay chưa từng có!
Cũng bởi nguồn tài trợ dồi dào nên tất cả các kỳ thủ tới giải đều mặc nhiên được ban tổ chức cấp tiền thưởng. Dù bị loại ngay ở đợt đầu thì họ vẫn nhận được tối thiểu 500.000 đồng, và cứ qua được mỗi vòng thì số tiền thưởng lại tăng lên: 800.000, 1 triệu đồng… Ở các giải cờ tướng tổ chức ở nước ta, đây là lần đầu tiên có hình thức thưởng này, tạo nên một bước ngoặt hoàn toàn mới, nó giống như hình thức thưởng tiền của giải vô địch cờ vua thế giới.
Nhưng điều làm giới hâm mộ cờ tướng cả nước ấn tượng hơn cả là tiền thưởng cho những người đoạt giải lần này: Ngôi Quán quân được thưởng 32 triệu đồng kèm theo một chiếc cúp trị giá 2,5 triệu đồng (xin nói thêm rằng ở một số giải trước đây có lúc người ta trả tiền cúp vào tiền thưởng). Số tiền này cao hơn khoảng 40 lần so với tiền thưởng của ngôi vô địch giải quốc gia, cao hơn khoảng 50 lần so với ngôi Quán quân của giải đồng đội. Người đoạt ngôi Á quân được thưởng 10 triệu đồng, ngôi quý quân được thưởng 4 triệu đồng, đứng thử tư được thưởng 2 triệu và đứng thứ 5 được 1,5 triệu đồng. Tính ra tồng số tiền thưởng của giải này khoảng trên dưới 60 triệu đồng.
Số tiền thưởng này thực tế đã làm tăng danh giá của giải lên rất nhiều, đồng thời nó chứng tỏ cờ Tướng Việt Nam ta đang tiếp cận đúng hướng với các giải cờ tướng ở các nước mạnh nhất và với các giải cờ tướng tầm cỡ quốc tế. Nó báo hiệu một bước đi hoàn toàn mới trong nhận thức đối với môn cờ tướng, nó nâng cao vị thế của một môn thể thao truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đang được cả triệu người Việt Nam ta say mê chơi từ đời này sang đời khác. Nó cũng là lời nhắn nhủ rất rõ ràng tới tất cả các kỳ thủ rằng: nếu bạn chơi cờ quả thật ở trình độ cao và với tài năng thật sự, bạn sẽ có được thu nhập xứng đáng. Cho nên có thể nói không quá rằng giải lần này là sự khích lệ, cổ vũ lớn lao đối với cờ Tướng nước nhà. Các nhà tài trợ đã đóng vai trò then chốt và quyết định trong giải cờ này!
Thứ ba, do có sự phối hợp tốt giữa Ban tổ chức với các nhà tài trợ nên đã hình thành được thể thức thi đấu khá hợp lý. Thể thức thi đấu kiểu này trước kia cũng đã từng được áp dụng nhưng qua một thời gian khá dài đã bị lãng quên và được thay thế bằng các thể thức loại trực tiếp ngay lập tức hay đánh theo hệ Thụy Sĩ. Tất nhiên, những hình thức đó đều có những tiện lợi, ưu điểm. Nhưng nó cũng bộc lộ một số nhược điểm như số người “rớt đàn” quá nhanh sau mỗi vòng đấu, mang tính may rủi cao hay chỉ được gặp nhau có một ván duy nhất chưa đủ để người thua “khấu phục tâm phục”,… Thể thực lần này tạo cơ may tối đa cho từng kỳ thủ. Chỉ khi anh bị thua liên tiếp 2 vòng liền thì mới bị loại, mà trong mỗi vòng nếu cân tài cân sức thì có thể phải chơi với nhau đủ 5 ván mới phân định thắng thua (như trường hợp Trần Văn Ninh, ngay vòng đầu, sau 5 ván: 2 ván chính, 2 ván nhanh và 1 ván chớp anh bị thua Diệp Khai Nguyên, nhưng ở vòng 2 cũng sau 5 ván anh đã thắng Bùi Dương Trân để chung cuộc anh đã giành giải Ba xứng đáng, như vậy chỉ trong 2 ngày Ninh đã phải đấu 10 ván!).
Khâu điều hành giải lần này tuy người ít, trọng tài cũng không nhiều nhưng đã làm rất tốt. Do thi đấu ở một Trung tâm văn hóa lại cận kề những ngày lễ lớn nên vài ngày lại phải di chuyển phòng đấu, nhưng tất cả đều ổn thoả, nghiêm chỉnh và thoải mái. Các vị lãnh đạo Trung tâm Văn hóa quận đã tạo mọi điều kiện để giải thành công tốt đẹp.
Khán giả ngày nào tới xem cũng đông, khá nhiều khán giả tử các tỉnh xa xôi cũng đã kéo tới xem liên tục trong suốt giải. Khâu bình cờ tổ chức khá chu đáo với những tay bình cờ hạng nhất gồm Hoàng Đình Hồng và Trần Hoàng Lâm.
Tiền nong tài trợ được quản lý chặt chẽ, các khoản chi phí, tiền thưởng… đều được trao tới tận tay từng kỳ thủ đầy đủ. Các khoản chi phí khác được hạch toán rõ ràng minh bạch, khiến cho các các nhà tài trợ tin tưởng và hài lòng. Tất cả đã tạo một tiền đề tốt cho giải lần sau.
Tất nhiên giải nào rồi cũng còn những khiếm khuyết, nhất là một giải lớn như thế này được tổ chức lần đầu tiên.
Trong lễ bế mạc, ngoài những điều đã làm được, ông Lê Thiên Vị là người điều hành chính cũng đã có lời xin lỗi khán giả tới xem và người hâm mộ vì sự cố ở trận chung kết. Cụ thể sự việc như sau:
Trước trận chung kết một ngày thi kỳ thủ Nguyễn Vũ Quân (Hà Nội) trong lúc đi xe ôm tới thi đấu, xe bị đổ trên đường phố khiến Nguyễn Vũ Quân bị thương. Tới nơi mọi người phải dìu anh vào và lo lắng không biết anh có đánh tiếp được không. Tuy vậy Vũ Quân vẫn kiên quyết thi đấu, dù bị thiệt thòi 20 phút do tai nạn phải đến muộn, nhưng Vũ Quân đã chơi một ván xuất sắc và thắng trận này để lọt được vào trận chung kết tranh ngôi Quán quân.
Sáng hôm sau, khán giả tới rất đông để chờ xem trận thư hùng quyết định giữa hai đại cao thủ là Trương Á Minh và Nguyễn Vũ Quân.
Đúng 8 giờ hai đối thủ ngồi vào bàn, theo đúng thủ tục bắt tay nhau và bắt đầu trận đấu. Tuy nhiên chỉ khoảng 40 phút sau, tới nước thứ 22 thì Nguyễn Vũ Quân xin thua ván cờ mà không đấu tiếp nữa, với lý do là anh quá đau không chịu nổi nữa. Mọi người dìu anh xuống cầu thang trong sự tiếc nuối ngẩn ngơ của tất cả các khán giả có mặt.
Xét về các yếu tố thì Trương Á Minh nhận giải Quán quân có xứng đáng không, Nguyễn Vũ Quân nhận ngôi Á quân có xứng đáng không?
Các yếu tố khách quan, chủ quan cho thấy hai vị trí đó đều hợp lý và xứng đáng.
Thử nhất là Trương Á Minh thi đấu qua tất cả các vòng ở bảng A đều thắng tuyệt đối, chưa thua một vòng nào, một trận nào. Nguyễn Vũ Quân dù đánh rất khá nhưng cũng đã bị thua ở vòng 3 (nên bị chuyển sang bảng B), mà người thắng Vũ Quân ở vòng đó không ai khác mà lại chính là Á Minh.
Thử hai là Trương Á Minh được nghỉ tới hai ngày để chờ đối thủ đứng đầu bảng B. Trong khi tất cả các đấu thủ ở bảng B phải thi đấu liên tục mỗi ngày 2 ván, nên tới được trận chung kết là đã mệt mỏi quá mức, huống chi Vũ Quân người vốn đã yếu sẵn, lại bị thương, hôm trước còn phải dốc hết sức cho trận quyết đấu ở bảng B, nên việc anh kiệt sức cũng là điều dễ hiểu.
Thứ ba là theo điều lệ giải thì Trương Á Minh có tới 2 khả năng để giành ngôi quán quân là thắng và hòa, trong lúc Vũ Quân chỉ còn duy nhất một cửa thắng. Tất nhiên nếu mọi sự diễn ra bình thường thì cũng không ai dám quả quyết 100% Á Minh đoạt cúp, cũng không ai đoán chắc rằng Vũ Quân không lên ngôi. Tuy nhiên nhìn toàn cục thì kết quả như vậy là hoàn toàn chấp nhận được. Các vị trí thứ ba của Trần Văn Ninh, thứ Tư của Nguyễn Thành Bảo và thử Năm của Nguyễn Trần Đỗ Ninh đều hoàn toàn xửng đáng.
Sở dĩ phải nói rõ các trường hợp này để tránh cho bạn đọc và người hâm mộ xa gần tránh nghe những đồn đoán theo kiểu “tam sao thất bản”.
Tại Trung Quốc đã tổ chức các cúp lớn truyền thông như cúp “Ngũ Dương bôi”, “Ngân Lệ bôi”… danh tiếng trong mấy chục năm qua, như những ngọn cờ đầu vẫy gọi tất cả những kỳ thủ đẳng cấp cao, khiến cho làng cờ tướng Trung Hoa có những bước tiến mạnh mẽ, thống trị làng cờ tướng thế giới.
Việt Nam ta trong những năm qua đã có những thành tích đầy ấn tượng trên đấu trường cờ tướng thế giới, làm cho các kỳ thủ Trung Quốc và các nước khác phải dè chừng.
Chính những giải có như giải danh thủ Thành phố HCM đã góp phần đáng kể cho việc mở rộng tương lai cờ tướng Việt Nam, tao nên một đấu trường, một sân chơi cao cấp, một đợt sàng lọc quý hiếm cho các tay cờ thượng thặng ở nước ta, hình thành được phần chóp của ngọn tháp cờ tướng nước nhà. Từ đó các kỳ thủ ta sẽ tự tin hơn, phấn chấn hơn, học tập tích cực hơn để những ván cờ của chúng ta không kém gì những ván đấu của các đại cao thủ thế giới.
Một lấn nữa xin chúc mừng sự thành công tốt đẹp của giải cờ!
Chuyện làng cờ móc ngoặc
- Minh Hùng
- 04/05/2006
- 0
Sáng hôm qua, phóng viên báo SGGP đã cất công tìm gặp các giới chức có trách nhiệm của thể thao để hỏi thêm sự việc. Giám đốc Sở TDTT TPHCM Nguyễn Hoàng Năng bận dự nhiều cuộc họp trong ngày, nên không thể gặp được, còn Chủ tịch Liên đoàn Cờ TPHCM Quách Anh Tú bận chăm sóc cho con đang bệnh nên từ chối trả lời. Chúng tôi quay sang tìm gặp ông Hoàng Đình Hồng, HLV đội Cờ quận 1, người từng tổ chức khá nhiều giải cờ, kỳ đài trong và ngoài quận. Anh cho biết rất bức xúc với việc này và mong những người có trách nhiệm sớm làm rõ vụ việc.
Giải cờ các danh thủ – Cúp Du lịch Phương Trang chỉ là giải đấu mời, chưa là giải chính thức cấp quốc gia. Tuy nhiên, không vì thế mà người tham dự có quyền coi rẻ nó. Trong trường hợp này, nhà tài trợ vốn là dân trong làng cờ nên thấu hiểu sự tình. Vì vậy, họ không phản ứng gay gắt và chỉ mong các nhà tổ chức làm cho ra lẽ, để lần sau có tài trợ tiếp thì cũng tránh những vụ việc đáng tiếc tương tự.
Thế nhưng, dân làng cờ – vốn tự hào là môn thể thao trí tuệ thì nghĩ khác. Họ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề và tự ái với những người yêu mến bộ môn cờ, sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng tổ chức giải cho họ.
Một vị trong Ban tổ chức bực tức nói: “Họ không xem Ban tổ chức ra gì, xem thường khán giả”. Vậy họ là ai? Phóng viên báo SGGP đưa tin đầu tiên sự việc này tiết lộ thêm rằng Ban tổ chức không loại trừ khả năng có “những chiếc vòi bạch tuộc” bên ngoài thò vào tận bàn cờ của các kỳ thủ.
Cờ tướng vào Việt Nam từ xa xưa (sau này mới có thêm cờ vua) và lúc đầu người ta chỉ đánh với nhau để giải trí, rồi cá độ ăn tiền nho nhỏ cho vui, sau nữa là tổ chức các giải đấu nhằm phục vụ rộng rãi người hâm mộ. Thậm chí, nhiều trận kỳ đài thu hút đến hàng ngàn người, rồi thi đấu cờ người trong các kỳ lễ hội dân gian thật thú vị. Bên cạnh môn cờ phát triển lành mạnh vẫn còn một bộ phận thi đấu cờ với mục đích cá độ lớn, khuynh đảo các kỳ thủ bằng những món tiền kếch sù.
Qua thăm dò, chúng tôi được biết vẫn có người muốn cho “chìm xuồng” vụ này, vì cho rằng đây chỉ là giải nhỏ, cần gì làm cho to chuyện. Song, nhiều ý kiến khác lại không đồng tình cách nghĩ ấy. Vụ việc dù nhỏ, nhưng nếu ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân hay tổ chức cũng cần phải làm cho đến nơi đến chốn, làm sáng tỏ mọi vấn đề. Vì nếu không, nó sẽ là khởi đầu của những tiêu cực, sự cố lớn lao, mà bóng đá là một minh chứng. Mong rằng, Sở TDTT TPHCM và Liên đoàn Cờ TPHCM không xem nhẹ vụ này.
Vua cờ mù Liễu Đại Hoa
- Hiếu Dân
- 08/12/2010
- 0
Có mặt tại Nhà văn hóa Thanh Niên vào sáng qua, 20.4, Liễu Đại Hoa hăng hái nhận vai trò bình luận viên kỳ đài cho các ván đấu tại giải quốc tế Phương Trang lần 4. Cứ sau mỗi lần phân tích các nước đi, ông nhận được những tràng pháo tay bái phục của người hâm mộ. Liễu Đại Hoa cười mãn nguyện và hứa chắc nịch rằng: “Ngày 25.4 tới, tôi sẽ đánh cờ mù đồng loạt với 12 kỳ thủ”…
Người đả bại Hồ Vinh Hoa
Liễu Đại Hoa sinh năm 1950 tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ông đến với cờ tướng từ năm lên 9 và đến năm 1963 đã vô địch các giải trẻ toàn tỉnh. 11 năm sau, ông là người bất bại tại Hồ Bắc và từ đó từng bước tiến vào con đường chuyên nghiệp. Năm 1980, Liễu Đại Hoa gây chấn động làng cờ Trung Quốc khi vượt qua kỳ vương Hồ Vinh Hoa (kỳ thủ được phong là “phượng hoàng tái sinh” trong giới kỳ nghệ; thiên hạ thích thú cách chơi của Hồ tiên sinh mà bỏ công sưu tập hàng nghìn ván đấu thực chiến của ông để lập thành “bí kíp”; Trung tàn cuộc của Hồ Vinh Hoa còn là hình mẫu cho rất nhiều thế hệ sau này) để trở thành nhà vô địch quốc gia số 1 cờ tướng. Chiến thắng trên cũng chấm dứt sự thống trị của các tay cờ miền nam Trung Quốc tại các giải quốc gia. Năm 1981 ông tiếp tục giữ vững ngôi vô địch và luôn ở tốp đầu trong suốt thập niên 1980.
Ở giải Ngũ Dương Bôi (giải dành cho những tay cờ hàng đầu Trung Quốc), ông là người đầu tiên giành ngôi vô địch vào năm 1981 và còn về nhất ở giải đấu này vào năm 1983. Năm 1988, Liễu Đại Hoa được phong danh hiệu Đặc cấp quốc tế đại sư.
Người giữ kỷ lục thế giới cờ mù
Nhưng nói đến Liễu Đại Hoa phải nói đến khả năng chơi cờ mù (cờ tưởng) của ông. Năm 2009, ông sang Việt Nam thi đấu biểu diễn cờ tưởng đồng loạt với 10 kỳ thủ. Ở buổi thi đấu này, ông ngồi sau tấm phông màn, nghĩa là biệt lập với các đối thủ khác (được nhìn bàn cờ) và nhận lệnh thi đấu từ một người thư ký. Kết quả, ông thắng 7, hòa 2, bại 1.
Năm 1988, ông được làng cờ nước Pháp vinh danh là “Đông phương điện não” (“máy tính phương Đông”) khi phá kỷ lục đánh cờ tưởng đồng thời 12 bàn (đang tồn tại của Hồ Vinh Hoa) lên 15 bàn (thắng 11, hòa 3, chỉ thua 1). Đến năm 1995, chính ông lại phá tiếp kỷ lục của mình tại Bắc Kinh với 19 bàn đấu đồng loạt (thắng 16, hòa 1 và thua 2). Và kỷ lục này đến nay vẫn chưa bị phá.
Ông kể, năm 13 tuổi, ông bắt đầu học cách đánh cờ bằng trí nhớ. Người tập luyện cùng ông chính là anh em trong nhà: thường chơi cờ tưởng bằng cách tự hình dung bàn cờ trong đầu, ra nước cờ và di chuyển trên bàn cờ qua lời nói với nhau. Lâu ngày điều này trở thành thói quen. Thói quen này được ông duy trì suốt… 10 năm liền, trước khi ông dấn thân vào con đường chơi cờ chuyên nghiệp. Không phủ nhận mình có trí nhớ thiên bẩm nhưng để trở thành một cao thủ cờ tưởng, ông cho biết phải sở hữu 2 điều kiện tiên quyết: “Có công lực chơi cờ lâu năm, thường xuyên luyện cờ với tất cả đam mê và có trí tưởng tượng phong phú”.
Cờ tưởng được xem là kiệt tác của trí tưởng tượng, là sự thử thách não bộ, trí nhớ của con người. Ở đấy, tư duy và sức sáng tạo của con người là vô hạn và Liễu Đại Hoa là một trong những đại diện tiêu biểu của sự vô hạn ấy… [img]xq573-0.jpg;center;iễu Đại Hoa phân tích một ván đấu cho người hâm mộ Việt Nam – Ảnh: Thanh Tùng[/img]