Chưa phân loại

Say sưa cờ tướng

Chỉ cần một bàn cờ, một hộp đựng quân cờ, tìm được đối thủ để so tài là có thể say sưa hàng tiếng đồng hồ. Mỗi bàn cờ chỉ có 2 người chơi, nhưng thường có rất đông người đến xem và bình phẩm, tạo nên không khí hào hứng trong từng ván cờ. Nếu như trước đây, cờ tướng được xem là môn thể thao dành riêng cho người cao tuổi thì hiện nay thu hút được khá đông thanh niên tham gia.
[img]xq590-0.jpg;center;Các “kỳ thủ” đang so tài tại một quán cà phê trên vỉa hè TP Tuy Hòa[/img]

Anh Trần Văn Hoàng, một kỳ thủ hay đến quán cà phê cóc ngã tư Trường Chinh – Đồng Khởi (phường 7, TP Tuy Hòa) cho biết: “Lúc đầu tôi không biết chơi cờ tướng. Sau vài lần đi uống nước thấy nhiều người tụ lại một góc, cười nói huyên thuyên, tôi lân la tới xem thử và đâm ra ghiền môn này lúc nào chẳng biết. Do vậy, mỗi khi rảnh rỗi, tôi đều đến đây, tìm người đánh cờ giải khuây”. Với người chơi, cờ tướng không chỉ đơn thuần là nét văn hóa giải trí mang lại niềm vui lành mạnh mà còn là phương thức hữu hiệu để hàm dưỡng nhân cách bởi khi tham gia trò này, người chơi rất thận trọng và có trách nhiệm trong mỗi nước đi. Anh Nguyễn Đăng Khoa, một người đam mê cờ cho biết, cờ tướng là một môn thể thao trí tuệ, thể hiện tính cách, khả năng tư duy, tầm nhìn của mỗi người. Nó giúp người chơi rèn luyện khả năng nhận biết sự việc, nhìn xa trông rộng và tập trung cao độ. Không những thế, cờ tướng còn giúp người chơi tăng cường trí nhớ, luyện tập tính kiên nhẫn giúp cho não bộ nhanh nhẹn và linh hoạt hơn bởi nó là môn thể thao thể hiện quan điểm sống của người phương Đông “Bất chiến tự nhiên thành”. Nhưng “nghề chơi cũng lắm công phu”, lại thiên về luyện trí nên không phải ai cũng có thể học và chơi hay được. Giới chơi cờ thường truyền tụng với nhau rằng chơi cờ tướng phải có “tâm cơ” và “có duyên với cờ”. Khi đó dù mới học nhưng vẫn chơi hay, còn không thì dù có học bao nhiêu năm đi chăng nữa vẫn chỉ như “học nghề”.

Dựa vào trình độ người chơi, cờ tướng được chia làm hai loại: phổ thông và cờ đạo. Trong cờ tướng phổ thông, yếu tố thắng bại được đặt lên hàng đầu nên người chơi sử dụng mọi chiêu thức để giành chiến thắng. Còn trong cờ đạo, người chơi nhằm mục đích giao lưu và tìm tri kỷ. Cụ Lê Hòa Phương, 75 tuổi, một cao thủ cờ tướng ở TP Tuy Hòa cho biết, xem một ván cờ là biết được tính cách lẫn năng lực của “đối tác”. Điềm tĩnh hay nôn nóng, kiên nhẫn hay bộp chộp, nóng nảy, tinh tế hay phàm tục… tất cả đều thể hiện trong mỗi nước đi, nhất là giai đoạn về cuối khi chiến cuộc giằng co trở nên căng thẳng, khó lường. Ai suy nghĩ nông cạn, nước cờ chỉ nhắm vào cái lợi trước mắt; ai “đa mưu túc trí” thì nước đi đầy toan tính, cạm bẫy trùng điệp; còn khoan hòa thì thế ngồi vững chãi, tĩnh tâm, nước cờ thoáng đạt, nhanh mà hiệu quả, công thủ toàn diện.

Hiện nay, cờ tướng không chỉ là môn thể thao trí tuệ, lành mạnh mà đang trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tao nhã và độc đáo. Đánh cờ không chỉ đơn thuần để giải trí. Đó là cuộc chiêm nghiệm đầy thử thách và đam mê về “bàn cờ cuộc đời”.

Chưa phân loại

Kết thúc giải cờ Tướng VĐQG 2011: TPHCM lấy lạingôi “Nữ hoàng”

HLV ĐTQG Hoàng Đình Hồng nhận định: “Kết quả này không có gì bất ngờ và cũng không thể nói là nữ TPHCM thắng lớn. Nói chính xác là nữ TP.HCM đã lấy lại đúng uy thế của mình. Bởi nếu bàn kỹ về vấn đề chuyên môn và phân tích lại các ván đấu, thất bại của nữ TPHCM tại 2 giải gần nhất chỉ là “tai nạn”, cùng vài yếu tố khách quan khác. Lần này, những Lan Hương, Hoàng Yến, Hải Bình, Ý Nhi, Phương Thanh… đã thi đấu đúng thực lực của mình”. Với danh hiệu vô địch này, Ngô Lan Hương cũng đã bảo vệ thành công ngôi nữ hoàng giành được tại giải VĐQG 2010.

Ở bảng nam, chức vô địch cùng tiền thưởng 60 triệu đồng đã thuộc về Nguyễn Thành Bảo (Hà Nội) sau chiến thắng trước kỳ thủ chủ nhà Nguyễn Hoàng Lâm với tỷ số 1,5-0,5. Nhưng chiến thắng của Thành Bảo không được bàn luận nhiều bằng thất bại của Hoàng Lâm. Cần lưu ý, đây là lần thứ hai liên tiếp, kỳ thủ có biệt danh Lâm “tay dài” (để phân biệt với một Nguyễn Hoàng Lâm khác, có biệt danh là Lâm “người mẫu” của đơn vị Bình Dương, kỳ thủ xếp vị trí thứ 9 tại giải lần này), không thể “với tay” vào chức VĐQG. Tại giải VĐQG 2010, cũng trong trận chung kết, với ưu thế cờ nhỉnh hơn đối thủ, nhưng Lâm “tay dài” đã trở thành bại tướng của kỳ thủ chủ nhà Võ Minh Nhất (Bình Phước). Một HLV của TPHCM lý giải: “Hoàng Lâm thất bại do có vấn đề về tâm lý”.

Giải nam cũng có sự kiện cần chú ý là việc vắng mặt của tài năng trẻ, tuyển thủ quốc gia Lại Lý Huynh (á quân giải VĐ trẻ châu Á 2008). Lý Huynh năm nay mới 19 tuổi, biệt danh “Âu Dương công tử”, người được dự đoán sẽ là kỳ vương VN tương lai, luôn có mặt trong tốp 5 các giải đấu quốc gia, và thường xuyên vô địch các giải trẻ trong 2 năm gần đây dưới màu áo Cà Mau. Việc anh vắng mặt tại giải lần này càng làm thông tin “Lý Huynh sẽ đầu quân cho Bình Dương” thêm vững chắc. Trao đổi với một quan chức thể thao Bình Dương sáng qua, đơn vị này xác nhận đã làm việc với luật sư và Lý Huynh để nhanh chóng đưa anh về thi đấu trong thời gian sớm nhất. Dù không tham dự giải lần này, nhưng Lại Lý Huynh vẫn sẽ được HLV Hoàng Đình Hồng đề xuất đặc cách vào ĐTQG chuẩn bị cho giải VĐTG 2011 vào tháng 9 tại Indonesia và Giải VĐ châu Á 2011 tại Macau vào tháng 12. [img]xq589-0.jpg;center;Ngô Lan Hương và Nguyễn Thành Bảo[/img]

Chưa phân loại

Giải vô địch cờ tướng hạng nhất Quốc gia năm 2011

Thứ hạng 4 giải đầu:

Nam:
1. Nguyễn Thành Bảo, Hà Nội
2. Nguyễn Hoàng Lâm, TP. Hồ Chí Minh
3. Bùi Dương Trân, Bình Dương
4. Trần Văn Ninh, Đà Nẵng

Nữ:
1. Ngô Lan Hương, TP. Hồ Chí Minh
2. Nguyễn Hoàng Yến, TP. Hồ Chí Minh
3. Hoàng Hải Bình, TP. Hồ Chí Minh
4. Bùi Châu Ý Nhi, TP. Hồ Chí Minh

[img]xq588-0.jpg;right;[/img]
[img]xq588-1.jpg;center;[/img]
[img]xq588-2.jpg;center;[/img]

Chưa phân loại

Một chương trình cờ bao gồm những thành phần gì?

Một chương trình cờ thường bao gồm rất nhiều thành phần và chức năng. Dưới đây ta chỉ liệt kê những thành phần và chức năng chính không thể thiếu đối với bất kỳ chương trình cờ nào:

[b]Bàn cờ (board)[/b]
Bàn cờ cần được số hóa và đưa vào máy tính. Từ đó chương trình mới biết để hiện thành hình bàn cờ cho người chơi thấy và cũng dựa trên đó nó mới tính toán để tìm nước đi.

[b]Sinh nước đi (move generator)[/b]
Đối với một thế cờ cho trước, chương trình phải có khả năng sinh được mọi nước đi hợp lệ cho thế cờ đó.

[b]Lượng giá (evaluate)[/b]
Từ một thế cờ cho trước chương trình phải biết cho điểm thế cờ đó. Thường người ta cho điểm 0 khi thế cờ hai bên cân bằng, điểm dương khi bên tới lượt đang có ưu thế, còn điểm âm là đối phương đang có ưu thế. Giá trị điểm càng cao thì ưu thế càng lớn.

[b]Tìm kiếm (search)[/b]
Từ một thế cờ cho trước, chương trình cần tìm được nước đi “tốt nhất” cho thế cờ đó.

Thường để tìm ra nước đi tốt nhất, chương trình phải tạo ra một cái cây tìm kiếm (search tree), phỏng theo cách con người suy nghĩ: kiểu như nếu tôi đi nước a1, thì đối phương có thể phản ứng bằng các nước b1, b2, b3…, nếu đối phương đi b1 tôi lại có thể phản ứng bằng các nước c1, c2, c3, c4…; còn nếu đối phương đi b2, tôi lại có thể đi c1″, c2″, c3″… Lại căn cứ vào phần lượng giá ở trên tôi lại biết c1 có điểm cao hơn c2, nhưng thấp hơn c3…

Từ cái cây tìm kiếm này và so sánh giá trị lượng giá, chương trình sẽ tìm ra nước đi dẫn tới thế cờ có điểm cao nhất (cho dù đối phương biết phản ứng chính xác nhất).

Cái cây tìm kiếm trên sẽ có nhiều tầng hay còn gọi là độ sâu (depth). Cây càng sâu thì chứng tỏ chương trình nghĩ càng xa (nghĩ xa nhiều nước đi) và càng cao cờ.

Người ta phát minh và đặt tên cho thuật toán tìm kiếm là Mini Max (Cực tiểu cái cực đại), sau đó nó được cải tiến thành một thuật toán có tên là Alpha Beta (tên của hai chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Hy lạp). Hầu hết các chương trình cờ ngày nay dùng thuật toán AlphaBeta.

ooo

Một chương trình chơi cờ giỏi hay không là phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng Lượng giá của nó và độ sâu tìm kiếm. Lượng giá càng chính xác thì càng tốt và tìm kiếm càng sâu thì càng tốt.

Nhưng cụ thể khi Lượng giá cho điểm như thế nào, tại sao thế cờ này lại có điểm cao hơn thế cờ kia lại phụ thuộc vào hiểu biết và trình độ của người lập trình. Cái này cũng giống như kỳ thủ người suy nghĩ không giống nhau, với cùng một thế cờ rất có thể với người này bên đỏ ưu, nhưng người kia lại cho rằng xanh ưu.

Để có Lượng giá tốt hơn người ta phải tìm hiểu và học cách con người đánh giá một thế cờ như thế nào (thông qua sách vở, hỏi chuyên gia cờ – tức là các kỳ thủ, và tự mình phân tích hàng ngàn thế cờ). Sau đó phải lựa chọn rồi tìm cách số hóa các kiến thức đó đưa vào Lượng giá.

Để tìm kiếm sâu người ta áp dụng hàng loạt các thuật toán “thông minh” khác như lưu kết quả tính toán trung gian (để dùng lại mỗi khi có dịp), rồi giúp chương trình biết tập trung vào những nhánh nước đi “tiềm năng” nhất và bớt chú ý vào những nước đi “ngớ ngẩn” hơn.

Lượng giá và tìm kiếm là hai thứ thường đối nghịch nhau, Lượng giá càng tốt thì thường chạy càng chậm mà như vậy thiếu thời gian để tìm kiếm sâu hơn. Do đó người lập trình thường phải cố cải tiến cả hai thứ này rồi tìm cách cân bằng giữa chúng.

Dốt quá!

Anh mắng em: Sao mày dốt thế, thế cờ dễ ẹc vậy mà giải không xong.

Em: Không biết thì mới hỏi anh chứ!

Anh: Đấy, cái dốt nặng kí nhất của mày chính là ở đó!!!

Chưa phân loại

Bài toán cổ: Hạt thóc và bàn cờ

Sau khi phát minh ra bàn cờ, nhà phát minh (một số truyện cho đó là một nhà toán học Ấn độ cổ đại, một số khác cho là một viên quan lại Ấn Độ tên là Sessa hoặc Sissa) được nhà Vua cho phép tự chọn phần thưởng cho mình.

Ông ta vốn là một người rất thông minh bèn xin với Vua: với ô thứ nhất xin thưởng một hạt thóc, ô thứ 2 là 2 hạt, ô thứ 3 xin 4 hạt, và cứ như vậy ô sau xin gấp đôi ô trước. Nhà Vua không hiểu biết về số học nên cho đó là phần thưởng rẻ mạt và nhanh chóng đồng ý, lệnh cho người giữ kho đếm và mang thóc cho nhà phát minh. Tuy nhiên khi người giữ kho sau hơn một tuần tính toán tổng số thóc đã cho nhà Vua thấy không cách nào có thể ban cho nhà phát minh phần thưởng đó. Nhà Vua sau đó gặp lại nhà phát minh, người đã dùng trí tuệ qua mặt Vua, ra lệnh cho nhà phát minh này phải tự mình đếm từng hạt từng hạt nhằm đảm bảo không ai ăn bớt được của ông ta.

Bây giờ ta thử tính xem tổng số hạt thóc cho 64 ô bàn cờ là bao nhiêu.

1 + 2 + 4 + 8 + … + 2 mũ 63 = [b]18 446 744 073 709 551 615[/b] hạt

(hay hơn 18 tỷ tỷ – đằng sau số 18 còn có 18 chữ số nữa)

[b]Con số này lớn như thế nào?[/b]

Nếu một hạt thóc nặng trung bình 25mg thì tổng số thóc này nặng 461 168 602 000 tấn (hơn 461 tỷ tấn). Đống thóc này còn cao hơn cả dẫy núi Everest và gấp khoảng 6 lần toàn bộ khối lượng sinh vật trên trái đất này. Với năng xuất hiện nay loài người tạo được khoảng hơn 2 tỷ tấn lương thực mỗi năm thì để có số thóc trên cả loài người phải làm việc cật lực trong hơn 200 năm.

Nếu mỗi hạt thóc này có độ dài khoảng 5mm thì khi đặt nối đuối nhau chúng sẽ có tổng chiều dài gần 100 ngàn tỷ km, tức là đủ dài để nối từ Trái đất, xuyên qua hệ Mặt trời, đến ngôi sao gần trái đất nhất có tên Alpha Centauri rồi vòng trở lại trái đất. Còn một khi đặt chúng nằm cạnh nhau, chúng có thể phủ kín toàn bộ phần đất của Trái đất.

[b]Cờ Tướng[/b]

Bàn cờ Tướng rộng hơn đáng kể so với cờ Vua. Nó có 90 ô (hay điểm) so với 64 ô, tức là hơn 26 ô (gần gấp rưỡi). Nếu áp dụng cùng luật trên thì số thóc phải gấp:

2^26 = 67 108 864 lần (hơn 67 triệu lần)

Nếu với cờ Vua, số hạt thóc chỉ đủ để phủ một lớp khắp bề mặt đất thì với cờ Tướng, số thóc này sẽ dầy 67 triệu lớp. Nếu mỗi hạt thóc dầy 1.5mm thì tổng chiều dầy là trên 10km. Còn nếu nối chúng lại với nhau thì có thể quấn 2 vòng cả dải Ngân Hà. Còn tổng khối lượng của chúng sẽ gấp 4 lần Mặt Trăng.

Chưa phân loại

Cờ cười năm mèo 1

[img]xq583-0.jpg;center;[/img]

[img]xq583-1.jpg;center;Chú thích trong hình: Ờ mày biết không, tao chỉ làm vài ván với mày trước khi tao thịt mày thôi[/img]

[img]xq583-2.jpg;center;[/img]

Chưa phân loại

Một ván cờ có thể dài đến bao nhiêu nước?

Hoạt động chơi cờ là một hoạt động trí tuệ đòi hỏi tập trung cao độ nên rất lao lực. Do vậy các kỳ thủ thường thỏa thuận hòa hoặc buông cờ sớm để tránh mệt mỏi quá mức cho bản thân và cả đối phương. Bình thường, các ván cờ chỉ dài khoảng một vài chục nước. Hãn hữu lắm mới có ván cờ dài.

Kỷ lục thế giới ghi nhận ván cờ Vua giữa Ivan Nikolic và Goran Arsovic tại Belgrade năm 1989 là ván cờ dài nhất. Ván cờ kết thúc sau 20 giờ 15 phút và có 269 nước di. Đây là một ván cờ hòa và kết thúc do luật hòa 50 nước.

Với cờ Tướng, trong cơ sở dữ liệu của Bạn cờ có ván đấu giữa Xu Yinchuan và Wu Guilin tại giải Cờ tướng thế giới năm 1999. Vá cờ dài 167 nước đi và cũng là ván cờ hòa kết thúc do luật hòa 60 nước đi.

Còn trận đấu giữa Trần Nguyễn Thế Toàn (đi tiên) và Nguyễn Long Hải (giải 2010) là trận đấu dài nhất của Giải cờ Tướng quốc gia Việt nam trong 10 năm trở lại đây (2000-2010). Ván cờ này dài 145 nước với phần thắng thuộc bên tiên.

Các ván cờ dài ngày nay chủ yếu là ván cờ của các chương trình cờ chơi với nhau tạo ra. Tuy nhiên độ dài này thường bị giới hạn một cách “nhân tạo” do người lập trình đặt ra một cách chủ quan hoặc do trở ngại kỹ thuật. Ví dụ chương trình giao diện cờ Vua WinBoard chỉ chịu làm việc đến nước đi thứ 500. Trang cờ Tướng online ClubXianqui cũng qui định ván cờ đến nước đi 400 là hết.

Bây giờ ta thử tính xem về mặt lý thuyết một ván cờ có thể dài đến bao nhiêu nước. Tất nhiên ta chỉ tính ván cờ với các nước đi hợp lệ.

[b]Cờ Vua[/b]
Đối với cờ Vua, các luật giới hạn độ dài là luật hòa do đi lặp 3 lần và luật hòa 50 nước (ván cờ sẽ kết thúc hòa khi có 50 nước mà không có quân nào bị ăn và không có con Tốt nào đi). Muốn ván cờ thật dài, ta phải tránh luật đi lặp và cố gắng đạt đến giới hạn của luật 50 nước.

Như vậy ta có thể lồng 50 nước không ăn quân và không đi Tốt này là các nước ăn quân hay tiến Tốt để kéo dài ván cờ.

Tốt cả hai bên có 8×2 = 16 quân. Một con Tốt có thể đi được nhiều nhất là 6 nước để tới cuối bàn cờ. Vậy ta có tổng 16×6 = 96 nước đi Tốt.
Một bàn cờ có 32 quân. Hai quân Vua không thể bị ăn nên chỉ có 30 quân sẽ bị ăn. Sau khi tất cả các quân đã bị ăn, hai Vua lại có thể “dung dăng
dung dẻ” thêm một lần 50 nước nữa mới chịu bắt tay hòa.

Như vậy tính nhanh tổng độ dài một ván cờ sẽ không vượt quá được:

(96 nước đi tốt + 30 nước ăn quân + 1 lần rong chơi của hai Vua)x50 nước = 127*50 = 6350 nước.

Để có con số chính xác hơn, ta cần xem xét kỹ hơn các khả năng.

Cờ mỗi bên có 8 con Tốt đối diện nhau. Khi tiến các Tốt này sẽ đụng đầu nhau và chỉ giải phóng được nhau khi một trong hai Tốt đối đầu nhau ăn quân. Nước đi này vừa có thể tính là nước đi Tốt vừa là nước ăn quân. Cần có 8 nước đi như vậy và cần bớt chúng trong tổng các nước ăn quân-tiến Tốt.

(96+30+1-8)x50 = [b]5950[/b] nước

Con số cuối này thường được coi là số nước dài nhất của một ván cờ Vua*.

Có một ván cờ do máy tính tạo ra gần đạt đến ngưỡng này. Nó có 5846 nước đi và vượt xa các ngưỡng do nhiều chương trình như ChessBase, WinBoard đặt ra.

Bạn có thể tham khảo ván cờ ở link sau đây.

[b]Cờ Tướng[/b]

Về độ dài thì luật cờ Tướng đơn giản hơn cờ Vua. Trong quyển luật cờ Tướng của Việt Nam (cũng tương tự với luật cờ Tướng Asian) chương 1, điều 7, phần e có nói như sau:

[i]Một bên đề nghị hòa, sau khi trọng tài kiểm tra mỗi bên đi đủ 60 nước mà không có một nước bắt quân nào thì ván cờ được xử hòa.[/i]

Như vậy luật này không nói gì về việc tiến Tốt. Vậy ta chỉ cần tính toán với 30 quân bị ăn và lần “rong chơi” cuối của hai Tướng.

(30 nước ăn quân + 1 lần rong chơi của hai Tướng) x 60 = 31×60 = [b]1860[/b] nước

[b]Lưu ý:[/b]
1) Một số người lý luận cho rằng trong công thức trên dùng con số 50 nước (hay 60 nước cờ Tướng) là không đúng, phải dùng 49 nước thôi để tránh cờ hòa. Nhưng thật ra ta vẫn phải dùng con số 50 vì nước đi cuối cùng của 50 nước này là nước ăn quân hay tiến Tốt.
2) Một số người còn lý luận để bỏ bớt từ 2 đến 4 nước đi Tốt (cờ Vua) nữa do hình thái bàn cờ buộc phải như vậy. Tuy vậy các tính toán này quá
rắc rối nên ta không bàn ở đây.[img]xq582-0.jpg;center;[/img]

Chưa phân loại

Muốn trở thành đại kiện tướng phải khổ luyện

Karpov năm nay đã 59 tuổi. Ấn tượng của chúng tôi là kỳ thủ lừng danh thế giới này rất bình dị, hòa đồng. Ông lúc nào cũng nở nụ cười, sẵn sàng tiếp chuyện với những ai đam mê cờ vua.
[img]xq572-0.jpg;center;Karpov chia sẻ kinh nghiệm thi đấu với các VĐV trẻ dự Giải Dragon Capital 2010 – Ảnh: T.P[/img]

Khi đến nhà thi đấu quận Tân Bình dự lễ khai mạc Giải vô địch cờ vua trẻ nhanh, chớp nhoáng toàn quốc tranh Cúp Dragon Capital 2010, ông đã dành thời gian chia sẻ với các kỳ thủ trẻ những kinh nghiệm thi đấu, cách tốt nhất để trở thành một VĐV cờ vua giỏi.

Trước khi lên đường sang Malaysia ở chặng dừng chân kế tiếp, hôm qua ông đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn.

* Để trở thành một đại kiện tướng thế giới như ông, bao nhiêu phần trăm là năng khiếu, bao nhiêu phần trăm là nhờ khổ luyện?

– Tôi cho rằng năng khiếu chỉ quyết định 20% thành công. 80% còn lại phải nhờ khổ luyện và tích lũy kinh nghiệm từ chính trận đấu của mình.
* Một quốc gia muốn phát triển môn cờ vua cần có những điều kiện gì?
– Điều kiện tiên quyết là phải có phong trào cờ vua phát triển rộng khắp. Tiếp đó, các VĐV phải thể hiện được tính chuyên nghiệp cao. Ngoài ra, để một đất nước có thể phát triển môn cờ vua phải cảm ơn sự quan tâm của nhà nước và các doanh nghiệp.

* Ông đã biết gì về cờ vua VN?

– Các bạn có kỳ thủ Lê Quang Liêm thi đấu ở các giải hàng đầu thế giới. Tôi tin VN đang sở hữu nhiều tài năng và sẽ sản sinh nhiều nhà vô địch thế giới. Những giải trẻ như Giải cờ vua trẻ nhanh, chớp nhoáng toàn quốc tranh Cúp Dragon Capital 2010 sẽ là khởi đầu của chặng đường mà các tài năng trẻ vươn đến những giải đỉnh cao của thế giới.

* Những người chơi cờ có tư duy toán học rất tốt, thử nghĩ nếu ông không chơi cờ mà nghiên cứu toán học thì có phải tốt hơn cho nhân loại?

– Tôi cũng không biết. Nhưng cờ vua sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cuộc sống. Qua cờ vua, con người sẽ luyện được tính kỷ luật cao và khả năng tư duy logic để hoàn thiện mình và cải thiện trí nhớ đáng kể.

* Việc chơi cờ vua có lợi gì cho sự phát triển của học sinh?

– Phong trào chơi cờ chỉ thật sự phát triển 20 năm trở lại đây và ngày càng xuất hiện nhiều kiện tướng và đại kiện tướng thế giới. Ở nhiều nước, họ có hệ thống dạy cờ vua trong trường học. Đó là vườn ươm để phát hiện nhiều tài năng sau này trở thành các đại kiện tướng cờ vua và không ít những nhà toán học giỏi.

* Nếu đắc cử chủ tịch FIDE, ông có kế hoạch gì giúp cờ vua phát triển hơn nữa?

– Nếu được trúng cử, tôi sẽ miễn hoàn toàn lệ phí phong cấp kiện tướng, đại kiện tướng… và làm hết sức có thể để hỗ trợ phong trào cờ vua tại các nước đang phát triển chứ không riêng VN. Phát triển cờ vua phải đi từ phong trào quần chúng nên tôi sẽ thành lập ít nhất một CLB cờ vua cho mọi lứa tuổi tại các quốc gia có phong trào cờ vua.

Tại VN, tôi đã nghĩ đến việc xây dựng hai CLB cờ vua, một tại TP.HCM và một tại Hà Nội.

Karpov sinh ngày 23-5-1951 tại Nga. Ông là nhà vô địch thế giới từ năm 1975-1985. Từ 1986-1990, ông tham gia các trận chung kết để giành lại ngôi vô địch nhưng đều thất bại trước Garry Kasparov. Từ 1993-1999 (khi có sự chia tách trong làng cờ vua thế giới), ông là nhà vô địch thế giới của FIDE.

Chưa phân loại

Đấu cờ với… mỹ nhân

Từ thanh niên trai tráng, đến mấy ông sồn sồn, giới kinh doanh, rồi mấy ông công chức… thi nhau dành những khoảng thời gian nghỉ ngơi để trở thành những ông “tiên cờ”. Chỉ có điều, đánh cờ tướng bây giờ khác xưa ở chỗ phải có… mỹ nhân xinh như mộng “tiếp chiêu”, hay ngồi bên cạnh.

Rủ nhau đi… “chiếu tướng”

“Xin lỗi, em xin phép tiếp anh vài ván cờ được không ạ?”. Giọng Bắc ngọt như mía lùi của cô gái trẻ có đôi mắt “con nai vàng ngơ ngác” đứng trước mặt cũng đủ làm cho tôi choáng váng, hoa cả mắt, dù chưa biết thắng, bại thế nào trong những ván cờ sắp tới.

Chẳng biết vì khách đánh cờ quá kém, hay vì cô gái “tiếp cờ viên” của quán “cà phê cờ tướng máy lạnh” H.H. trên đường Điện Biên Phủ này có những chiêu thức biến hóa khó lường mà khách cứ bị “chiếu tướng” liên tục. Ở phòng bên cạnh, ông bạn đi cùng cứ há hốc miệng ra mà nhìn cô kỳ thủ xinh đẹp đối diện như muốn “ăn tươi, nuốt sống”, thỉnh thoảng lại nuốt nước bọt ừng ực, không hiểu vì cay cú do thua cờ, hay có “tà tâm” gì khác…

Mỹ nhân tiếp cờ này cho biết, quán của cô có đến 6 nữ “kỳ thủ” chuyên tiếp khách đến đánh cờ như kiểu này. Nhiệm vụ của các cô là lo chuyện trà nước, đánh cờ, luận cờ hay ngồi bên cạnh “tư vấn” cho khách nếu khách đi với bạn cờ khác. Có người thì đã biết đánh cờ từ trước, nhưng cũng có người được chủ quán gửi đi học nghề ở các lớp đào tạo đánh cờ tướng “cấp tốc” với những chiêu thức cơ bản, đường phái chánh, tà… để phục vụ nhu cầu của khách.

Tiêu chuẩn hàng đầu được các quán đưa ra để tuyển các nữ “tiếp cờ viên” là ngoại hình phải xinh xắn, dễ thương và nhanh trí, “thông minh lẫn thông… manh” một tí để đánh cờ đừng quá tệ, làm những ông khách mê đánh cờ thật sự cụt hứng. Người đi đánh cờ thì nhiều, nhưng dân “nghiện” cờ thật sự không nhiều. Còn lại chủ yếu vô đây thư giãn, đánh vài ba ván cờ tếu táo, trò chuyện với người đẹp cho vui rồi về. Quả thiệt, ngồi trong những căn phòng máy lạnh kín đáo, sang trọng, thiết kế theo kiểu cung đình ngày xửa, ngày xưa, tiếng nhạc nhẹ nhàng, bay bổng, trước mặt là một bàn cờ tướng với một mỹ nhân rực lửa, “chân dài tới nách”, tiếp vài “chiêu” thì bỗng dưng nhiều người thấy mình như trở thành một “hiền nhân” thuở xưa đang luận bàn thiên hạ. Nếu đi cùng bè bạn, đối tác làm ăn hay đi cùng với sếp, thì cũng cứ yên tâm vì sẽ có ngay các nữ “tiếp cờ viên” ngồi bên cạnh lo việc trà nước, thỏ thẻ những lời vàng ngọc mách nước.

Xem ra, cái thú “đấu cờ với người đẹp” mà nhiều quán cà phê ở Sài Gòn đang tung ra có sức hút với mấy ông còn hơn cả bida máy lạnh, gội đầu thư giãn dạo nào, vì rất ư “trí tuệ” và thời thượng, giúp con người ta huy động tối đa bộ não vào những “hỉ, nộ, ái, ố” ảo trong ván cờ mà quên đi những căng thẳng, toan tính trong cuộc sống xô bồ, xô bộn hiện nay.

Dạo này, có nhiều ông đâm ra “nghiện” đi đánh cờ, giờ nghỉ trưa, ngày nghỉ… đều kéo nhau đi đánh cờ tướng. Dân mê đánh cờ “ngồi đồng” vài ba tiếng cũng nhiều, mà dân mê “ngồi đồng” ngắm người đẹp lại càng đông hơn.

Có lẽ từ nhu cầu này và cái vụ “mỹ nhân… cờ tướng” này đang ăn nên làm ra, mà những “hội quán” cờ tướng mọc lên ngày một nhiều ở đất Sài Gòn. Từ “cà phê cờ tướng” ở miệt An Lạc, Bình Tân đến “tửu quán cờ tướng”, vừa nhâm nhi rượu, vừa đấu cờ với người đẹp bên khu An Sương, Hóc Môn, rồi “cà phê máy lạnh cờ tướng” ở Điện Biên Phủ, Trường Chinh… Nhiều quán cà phê máy lạnh treo bảng “Tuyển tiếp viên nữ có ngoại hình, ưu tiên cho người biết… đánh cờ tướng”. Thỉnh thoảng mấy ông lại kháo nhau, có quán “cà phê cờ tướng” mới mở có mấy em “tiếp cờ viên” chỉ cần nhìn một cái là đủ cho khách tình nguyện xin được… “chiếu tướng”.

Lẫn lộn “cờ người”

Phong trào chơi cờ tướng đang rộ lên như một thú chơi, giải trí tao nhã và trí tuệ của nhiều người. Chỉ tốn vài chục ngàn đồng tiền trà, nước lẫn “cờ phí”, lại được đấu cờ với người đẹp, luận bàn về những nước cờ trong đời, quên đi những lo toan, căng thẳng trong công việc hàng ngày thì xem ra cũng thật đáng “đồng tiền, bát gạo”.

Chỉ có điều, tại một số “hội quán cờ tướng” cũng đã bắt đầu xuất hiện những trò cá cược, giải cờ với số tiền đặt cược có khi lên đến cả hàng chục triệu đồng như một dạng cờ bạc trá hình. Có những quán cho các “mỹ nhân” tiếp cờ của mình đấu cờ ăn tiền với khách mà phần thua thì bao giờ cũng thuộc về… những ông khách si tình, nông nổi. Chẳng biết vì mỹ nhân đánh cờ giỏi hay vì những ông khách kia chỉ mải lo đánh cờ… bằng mắt mà thua cháy túi mới giật mình biết là mình dại.

Lẫn lộn trong đội ngũ “tiếp cờ viên” ở các “hội quán cờ tướng” hiện nay cũng có khá nhiều nữ “kỳ thủ” chỉ giỏi “chuyên môn, nghiệp vụ” về đấu… “cờ người”. Sau một vài ván cờ tại quán, “tiếp cờ viên” lại móc nối với khách đi thi đấu… “cờ người” ở trong khách sạn.

Trong những căn phòng kín đáo, máy lạnh riêng biệt, “kỳ thủ” và khách “đấu cờ” như thế nào thì thú thật chỉ có… mấy quân cờ mới biết được. Mới đây, khi các cơ quan chức năng kiểm tra tại quán cà phê “cờ tướng… mỹ nhân” L.K. trên đường Lý Thường Kiệt thì phát hiện nữ “kỳ thủ” và khách bỏ cả “bảng son, quân ngà” lăn lóc một góc để mà chuyển sang hì hục giao đấu… “cờ người”.

Ở vùng ven thành phố, nhiều ông khách sồn sồn vì si mê các nữ “tiếp cờ viên” của mấy quán “cà phê cờ tướng”… biến tướng, bỏ cả công việc cơ quan, trốn gia đình, vợ con đi “ngồi đồng” cả ngày trời “đấu cờ” trong những “hội quán cờ tướng” máy lạnh. Nhiều ông lý giải với vợ, tui đâu có nhậu nhẹt, gái gú gì đâu, chỉ đi đấu vài ván cờ “trí tuệ” thôi mà. Có bà sinh nghi, dẫn con đi rình chồng, mới té ngửa mọi chuyện, thét lớn: “Đấu… cờ kiểu này thì tui cũng có… cờ, sao ông không chịu ở nhà mà đấu?”.